Trong nuôi trồng thủy sản, hóa chất và kháng sinh thường được sử dụng để phòng và trị bệnh. Nhiều loại thuốc và hóa chất đã và đang được người nuôi sử dụng. Song việc dùng tràn lan đã không mang lại hiệu quả và tốn kém. Hiện tượng lờn thuốc, kháng thuốc, dư lượng kháng sinh và môi trường bị hủy hoại đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành thủy sản. Việc nghiên cứu nhằm làm tăng khả năng kháng bệnh của đối tượng nuôi và làm giảm việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. 
Selenium (Se) là một yếu tố vi lượng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho sự sinh trưởng, phát triển và chức năng sinh lý của cá (Hilton et al, 1980; Bell et al, 1985; Wang and Lovell, 1997).

Việc sử dụng Selenium hữu cơ (OS) như Selenomethionine và Selenoyeast để cải thiện lượng Se đã được kiểm chứng vì có hoạt tính cao hơn so với các dạng vô cơ (Bell and Cowey, 1989; Lorentzen et al, 1994; Wang and Lovell, 1997; Mahan, 1999; Schram et al, 2008). Vai trò của Selenium hữu cơ (OS) đã được chứng minh trên gia súc, gia cầm và con người.

Đã có một số nghiên cứu về vai trò của OS trên các đối tượng thủy sản như: Mohsen Abdel-Tawwab et al., (2007, 2008) nghiên cứu về bổ sung OS đã cho thấy rằng việc bổ sung 0,5 g OS (OS từ Sel-Plex®, All-Tech Feed, Lexington, Kentucky, USA)/kg thức ăn (5,54 mg Se/kg) sẽ làm giảm độc tính của Cadmium (Cd), tăng tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá rô phi Oreochromis niloticus ở sông Nile. Cá trê phi Clarias gariepinus với hàm lượng 0,3 g OS/kg thức ăn (3,67 mg Se/kg) sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng, khả năng chống chịu với độc tính của kim loại nặng Cu. Nghiên cứu của Kallaya Sritunyalucksana et al. (2011), đã chứng minh OS (0,3 mg Se/kg) giúp cải thiện tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu với virus gây hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei.

Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về OS trên động vật thủy sản nói chung và trên các loài cá nói riêng. Xác định hàm lượng Selenium hữu cơ (OS) thích hợp bổ sung vào thức ăn nhằm nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, chất lượng thịt, khả năng kháng bệnh của một số loài cá có giá trị kinh tế.

Selenium là một yếu tố vi lượng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho sự sinh trưởng, phát triển và chức năng sinh lý của tôm, cá. Selen là một thành phần của men glutathione peroxidase, tham gia xúc tác các phản ứng bảo vệ màng tế bào khỏi bị hư hại do quá trình oxy hóa.

Vai trò của Selen đối với cơ thể tôm cá:

  • Chống oxy hóa (chống lại quá trình tự oxy hóa của Lipid màng tế bào, là thành phần chính trong cấu thành enzyme glutathione peroxidase).
  • Tăng cường chức năng tuyến giáp
  • Giảm viêm, giảm stress, cân bằng hormoon trong cơ thể
  • Đáp ứng miễn dịch và kháng bệnh: Vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào và màng tế bào chống lại thiệt hại từ sự oxy hóa, duy trì đáp ứng miễn dịch.
  • Khi bổ sung 0,3g selenium hữu cơ/kg thức ăn giúp cải thiện tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và kích thích hệ miễn dịch, tăng khả năng chống chịu với virus gây hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng

Dấu hiệu của sự thiếu hụt Selen:

  • Giảm tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn và giảm hoạt động của Glutathione peroxidase trên cá.
  • Sự thiếu hụt Selen làm tăng stress và tăng tỷ lệ chết.
  • Đục thủy tinh thể, thiếu máu đối với cá
  • Thiếu selen dẫn đến một loạt các phản ứng như oxi hóa nội sinh giảm, kháng thể giảm, tỷ lệ chết và biến dạng mô cơ tăng.
  • Việc bổ sung chế độ dinh dưỡng có chứa Selen giúp cải thiện hiệu quả sự tăng trưởng, cân bằng chất chống oxy hóa và tình trạng miễn dịch bẩm sinh của cá giống.