Tôm thẻ chân trắng tiếp xúc với ánh sáng xanh cho kết quả tốt hơn đáng kể về các thông số tăng trưởng và chất lượng nước

Hệ thống Công nghệ Biofloc (BFT) được thiết kế để tăng năng suất nuôi trồng thủy sản đồng thời cải thiện việc kiểm soát môi trường, giảm hoặc loại bỏ việc thay nước, giảm lượng nước thải, hạn chế lây lan dịch bệnh và từ đó tăng tính an toàn sinh học. Hệ thống này bao gồm vi khuẩn, vi tảo, động vật nguyên sinh, động vật phù du, luân trùng, phân và thức ăn thừa.

Một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và duy trì bioflocs: Tỷ lệ carbon/nitơ, oxy hóa, nguồn carbon, ánh sáng,... Ánh sáng được coi là một yếu tố phi sinh học vô cùng quan trọng đối với các sinh vật sống trong môi trường nước. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những khác biệt đáng kể về hành vi, tăng trưởng, lượng thức ăn, sự trưởng thành, sinh sản và có thể thay đổi hoạt động bơi lội của tôm khi tiếp xúc với các điều kiện ánh sáng khác nhau. Về quần thể vi sinh vật trong hệ thống BFT, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chúng thường có thể thay đổi đột ngột từ hệ thống dị dưỡng (chủ yếu là vi khuẩn và động vật nguyên sinh) sang hệ thống quang dưỡng (vi tảo).

Ảnh hưởng của ánh sáng đến nuôi tôm đã được một số tác giả mô tả, nhưng vẫn cần phải đánh giá ảnh hưởng của ánh sáng được phân tách thành các bước sóng và màu sắc. Ở điều kiện nuôi trong nhà, nơi không có ánh sáng tự nhiên và do đó, ánh sáng nhân tạo được sử dụng, có thể kiểm soát hiệu quả hơn các biến liên quan đến ánh sáng, chẳng hạn như màu ánh sáng.

Phương pháp

5 thử nghiệm được thiết kế với 3 lần lặp lại, mỗi lần sử dụng đèn LED với nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm vàng, xanh dương, đỏ, xanh lá và trắng (đối chứng). Các đơn vị thí nghiệm giữ tôm được cách ly với nhau bằng cách sử dụng một nắp hình nón trên các bể. Tôm nặng 0,37 gam được thả với mật độ 500 con/m3 trong bể 150 lít, thời gian thí nghiệm kéo dài 70 ngày.

Các thông số chất lượng nước: Nhiệt độ, oxy hòa tan và pH được theo dõi 2 lần/ngày bằng cách sử dụng đầu dò đa thông số. Nồng độ tổng nitơ amoniac và nitrite được định lượng hàng ngày. Độ kiềm được kiểm tra 3 ngày/lần và hiệu chỉnh khi quan sát thấy các giá trị dưới 150 mg CaCO3/lít. Độ đục của nước, nồng độ nitrate và photphate được xác định 1 lần/tuần, cũng như tổng chất rắn lơ lửng và chất rắn có thể lắng được. Nồng độ carbon dioxide được tính toán bằng cách sử dụng các phép đo pH và độ kiềm.

Việc bổ sung phân hữu cơ cho nước trong các bể thí nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng mật rỉ đường lỏng (tỷ lệ C:N là 6:1) bất cứ khi nào mức amoniac đạt > 1,0 mg/lít. Thay nước được thực hiện khi mức nitrite đạt trên 26 mg/lít. Ứng dụng của một chế phẩm sinh học vào nước được thực hiện 1 lần/tuần để duy trì chất lượng nước.

Tôm được cho ăn 2 lần/ngày, sử dụng chế độ ăn 38% protein thô. Điều chỉnh thức ăn được thực hiện theo sự tăng trưởng ước tính và mức tiêu thụ thức ăn. Tất cả các kết quả được phân tích bằng ANOVA một chiều (α = 0,05).

Kết quả và thảo luận

Sự khác biệt đáng kể đã được xác định đối với các thông số chất lượng nước như nitrite, sự xâm nhập của ánh sáng vào cột nước và tổng lượng nước sử dụng trong thời gian nuôi thử nghiệm. Không có sự khác biệt thống kê nào được tìm thấy về nhiệt độ, oxy hòa tan, pH, amoniac, nitrate, photphate, độ kiềm, carbon dioxide, tổng chất rắn lơ lửng, chất rắn có thể lắng, độ đục và Chlorophyll a.

Biểu đồ 1. Giá trị trung bình (± SD) của tổng lượng nước (lít) trong các nghiệm thức được nuôi trong hệ thống biofloc với các màu sáng khác nhau

Tổng lượng nước được sử dụng để nuôi tôm thẻ chân trắng được giữ trong hệ thống BFT với ánh sáng LED màu khác nhau đáng kể. Các màu của đèn xanh lá, xanh dương và đỏ sử dụng lượng nước thấp hơn, với mức trung bình là 340 lít, trong khi đèn màu trắng và vàng có giá trị trung bình là 495 lít. Tức là, thêm 155 lít để tạo ra cùng một mật độ tôm. Sự khác biệt trong tổng lượng nước này có liên quan đến số lần thay nước được thực hiện khi mức nitrite vượt quá ngưỡng an toàn. Các nghiệm thức ánh sáng xanh lá cây và xanh dương có mức độ nitrate hóa tốt hơn khi so sánh với ánh sáng trắng (đối chứng), với sự khác biệt gần 20 ngày.

Biểu đồ 2. Giá trị trung bình (± SD) của nitrite (mg/L) trong các nghiệm thức trong hệ thống biofloc với các màu sáng khác nhau

Thông số

Xanh lá

Xanh dương

Đỏ

Vàng

Trắng

FCR

1.36±0.01

1.62±0.14

1.42±0.06

1.58±0.02

1.63±0.10

Trọng lượng cuối (g)

7.59±0.30a

6.91±0.26ab

7.31±0.26a

6.88±0.28ab

6.19±0.09b

Trọng lượng ban đầu (g)

0.37±0.20

0.37±0.20

0.37±0.20

0.37±0.20

0.37±0.20

Năng suất (kg/m3)

3.36±0.10

2.82±0.24

3.15±0.19

2.81±0.08

2.65±0.12

Tỷ lệ sống (%)

92.88±1.66

85.77±3.82

90.66±2.17

86.22±2.73

90.66±2.88

 

Bảng 1. Các thông số kỹ thuật được xác định cho tôm trong thử nghiệm, bao gồm trọng lượng ban đầu và cuối cùng, tỷ lệ sống và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, năng suất từ các nghiệm thức màu ánh sáng khác nhau

Sự khác biệt đáng kể về hiệu suất tăng trưởng chỉ được tìm thấy ở trọng lượng cuối cùng của tôm. Màu xanh lá cây và đỏ là những màu cho kết quả khác với màu trắng (đối chứng). Không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy về tỷ lệ sống, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và năng suất.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu của đã chứng minh rằng tôm thẻ chân trắng tiếp xúc với ánh sáng xanh cho kết quả tốt hơn đáng kể về chất lượng nước và các thông số kỹ thuật khi so sánh với với tôm nuôi các màu sắc khác, có thể là do sự sẵn có của thức ăn trong các nghiệm thức này và khả năng cảm quang của vi khuẩn trong các phổ ánh sáng khác nhau.

Nguồn: globalseafood.org

Dịch: Trần Thị Thúy Quyên